Biến khó khăn,thách thức thành cơ hội trong công tác chuyển đổi số

Thứ hai - 12/07/2021 04:54 0
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ sở để chúng ta đã biến những khó khăn trở thành cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế kỹ thuật số.
Biến khó khăn,thách thức thành cơ hội trong công tác chuyển đổi số
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu tổng quát “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ  kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”.
      Từ chủ trương này, chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số đã có sự thay đổi lớn trong những năm qua. Nhất là khi xảy ra dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, để thích ứng với tình hình mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, đáng chú ý là sự chuyển biến về nhận thức từ các cấp, các ngành đến người dân để duy trì cuộc sống bình thường trong điều kiện mới.
       Đợt giãn cách xã hội vào đầu năm 2020 đã giúp cho nhiều học sinh, sinh viên Thái Nguyên làm quen với khái niệm học trực tuyến. Ban đầu, việc học được các giáo viên, trường học triển khai qua các ứng dụng họp trực tuyến như Zoom, Webex. Nhiều trường chủ động triển khai hệ thống học trực tuyến kết hợp với quản trị nhà trường và đã mang lại hiệu quả rõ nét. Đơn cử như trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, việc kết hợp hợp trực tuyến và trực tiếp đã rút ngắn thời gian học lý thuyết, mở rộng không gian trao đổi kiến thức với đối tác. Không chỉ  xuất hiện trong các phòng học online, học sinh đã có thể chủ động về thời gian học bằng cách đăng nhập vào hệ thống, xem các bài giảng được thầy cô ghi hình từ trước, làm bài kiểm tra và nhận kết quả tự động. PGS.TS. Nguyễn Quang Hưng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: Dựa vào hệ thống này, nhà trường đánh giá hiệu quả từng bài học, sự tham gia của sinh viên; mức độ tương tác giữa thầy và trò. Từ đó đánh giá hiệu quả công tác giảng dạy, học tập của sinh viên.
     Về thương mại, những người làm kinh doanh cũng đã có sự thích ứng nhanh khi ứng dụng thương mại điện tử vào bán hàng. Khi tìm kiếm cụm từ Chè Thái Nguyên, kết quả trả về không chỉ là website những nhãn hiệu chè Thái mà còn là fanpage Facebook của từng Hợp tác xã chè. Các HTX chè Thái Nguyên từ nhiều năm nay không chỉ tập trung tạo ra sản phẩm chè ngon hơn mà họ cũng đã đầu tư cho việc thiết kế bao bì cho từng dòng sản phẩm chè, tiếp đó là phát triển fanpage, làm SEO cho website của từng HTX. Cùng việc kết hợp với các dịch vụ vận chuyển, sản phẩm chè Thái Nguyên đã được đưa tới khách hàng với chất lượng tốt nhất. Toàn bộ việc theo dõi vị trí đơn hàng, lưu thông tin khách hàng được các HTX quản lý như những hệ thống CRM (quản lý khách hàng) chuyên nghiệp của các công ty lớn. Áp dụng những cách bán hàng mới, hiện đại đã giúp thương hiệu sản phẩm đi xa hơn với giá trị cao hơn. Đó cũng làm cách làm của nhiều đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh để thích ứng với tình hình mới.
      Trong lĩnh vực y tế, dịch COVID-19 đã cho thấy rất nhiều những ưu điểm từ hình thức khám bệnh từ xa, giúp sàng lọc, giảm thiểu sức ép cho các bệnh viện và cũng làm giảm khả năng lây nhiễm chéo cho bệnh nhân. Theo thống kê, trong đại dịch COVID-19, mức độ quan tâm, tìm hiểu về Chuyển đổi số của người dân cũng đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2020. Để phòng chống dịch COVID-19, người dân đã chủ động cài đặt ứng dụng để khai báo, phát hiện tiếp xúc gần với người nghi nhiễm COVID-19, đây sẽ là lực lượng "công dân số" nòng cốt, có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa chuyển đổi số cho toàn xã hội.
      Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch đồng thời đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế,  tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đồng bộ ứng dụng chuyển đổi số thực hiện “mục tiêu kép”, giữ vững vị trí trung tâm kinh tế vùng Trung du miền núi phía Bắc. Nghị quyết số 01/NQ-TU về  Chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX ban hành  đã thể hiện quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc chủ động bắt nhịp với quá trình Chuyển đổi số. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai học tập, xây dựng chương trình hành động thực hiện, nhằm từng bước xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
     Theo báo cáo của các Sở, ngành, địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2021, GDP của tỉnh đạt 6,5%; thu ngân sách nằm trong số 20 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; thu hút được nhiều dự án đầu tư trong, ngoài nước; các vấn đề an ninh trật tự, đảm bảo an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị của tỉnh và nhân dân, dịch COVID-19 đã được ngăn chặn kịp thời,  sự ổn định trong đời sống của các tầng lớp nhân dân được giữ vững. Bên cạnh đó, chỉ số CPI của Thái Nguyên liên tục trong nhiều năm qua đều được cải thiện, Thái Nguyên xếp thứ 11/63, tăng 1 bậc và dẫn đầu trong nhóm các tỉnh miền núi phía Bắc. Kết quả này đã phản ánh nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh và sự đoàn kết của nhân dân trong công tác chuyển đổi số.

 

Nguồn tin: Ngọc Quỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây